Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Thơ LÀNG


                      Bùi Văn Tạo

                                        LÀNG

                      Làng xưa còn có cây đa cũ
                      Bóng trải xanh dài rộn tiếng chim
                      Vây làng ấp ủ tre xanh ngát
                      Dậu vườn dâm bụt nở hoa xinh

                      Làng xưa ngô lúa vui no ấm
                      Bến nước đường quê đợi em về
                      Nhớ mùa tim tím hoa xoan nở
                      Còn thoảng hương thơm mái tóc thề
                 
                      Làng qua năm tháng nhiều thay đổi
                      Lúa  mượt xanh đồng có ít hơn
                      Cau cũng vắng dần trưa in bóng
                      Bướm nhớ vườn rau cứ rập rờn

                      Làng nay tường gạch sân xây mới
                      In dấu tháng năm vật đổi dời
                      Dưa cà khoai sắn giờ xa vắng
                      Vui mà tha thiết chuyện bao đời !

                      Làng mãi trong lòng niềm thương cảm
                      Nắng sớm mưa chiều những người thân
                      Đất trời trong ánh bình minh rọi
                      Xúc động ngày lên biết bao lần !
                                            

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Văn: THÚ CHƠI CÂY CẢNH PHỐI ĐÁ VÔI

Bùi Văn Tạo

                      THÚ CHƠI CÂY CẢNH PHỐI ĐÁ VÔI

      Thú chơi cây cảnh có rất lâu trong đời sống người Việt. Người chơi hoa kiểng gửi gắm tâm tình, ý tưởng và có khi tính cách của mình qua tạo thế cây. Khi đã vào hàng nghệ nhân, người chơi cây khai thác được các ưu thế kiểu dáng cây tự nhiên, chỉnh sửa rồi đặt cho nó những cái tên hay và ý nghĩa như: huyền chi lạc địa, long bàn hổ phục, phụ tử giao chi,…Bên cạnh thú chơi cây cảnh còn có thú chơi non bộ đá vôi với những luật tạo hình nghiêm ngặt mà hấp dẫn. Hai loại hình nghệ thuật nầy gặp nhau tạo nên loại hình mới: cây cảnh phối đá vôi, vừa đẹp vừa giàu tính sáng tạo.
     Nếu đơn lẻ riêng cây, một cây kiểng đẹp phải có tuổi đời khoảng ba mươi năm trở lên, thân có độ to tương đối, cành chi dích dắc thể hiện từng trải năm tháng, nắng mưa, dáng thế trực hoành tuỳ cây và sở thích của người chơi. Đối với non bộ, để có ngọn giả sơn ấn tượng phải có những tảng đá đẹp, liên kết nhau theo một qui tắc nghệ thuật của thú chơi nầy. Việc dựng non bộ cũng khá công phu bởi phải đẹp như núi non thật và tránh những điêu cấm kỵ như xuyên tâm, triệt đạo,…Còn cây kiểng phối đá thì có thể vận dụng hài hoà để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sống mà vẻ đẹp có thể đi xa hơn. Lợi dụng ưu điểm đá vôi mềm, dễ tạo hình và thấm nước từ đáy lên đỉnh nên người ta dùng đá vôi cục nhỏ xếp lại thành cụm to, cao rồi đặt cây cảnh lên. Khi rễ đã bám chằng chịt vào đá và phát triển thì cụm đá trở thành gốc cây, lúc đó cây có bộ đế vững vàng, tác giả tạo hình chỉ việc sửa chi thế, còn gốc cây càng ngày vẻ cổ xưa càng được biểu lộ. Tuy đá vôi chưa phải là loại quí hiếm, nhưng cũng có những tảng to, hình dạng đẹp, dân chơi cây cảnh gọi là đá một. Lợi dụng thế đứng vững vàng, đường nét nghệ thuật của những tảng nầy, người ta đặt nó lên hồ, chậu to rồi chọn vị trí phù hợp mà cho cây bám đá (thường là cây sanh), làm thế nào để nhìn toàn cảnh đá và cây trông đẹp hơn. Khi cây đã sống, rễ sẽ phát triển ôm tảng đá và men dần xuống nước. Từ đó, rễ ngày một lớn thêm, hình thù như trăn bò, rắn lượn, còn thân cây phát triển theo hướng vươn ra bờ vực cheo leo, buông rễ phụ xuống mặt hồ giống bức rèm thiên nhiên treo giữa chốn hoang sơ. Người ta còn phối trí cây kiểng và non bộ bằng cách dựng đá thành núi non, đồng bằng, sông rạch rồi đặt vào chỗ hợp lý những cây kiểng đẹp. Loại hình nầy tạo cho người xem hình tượng về những miền quê bên sông, bên núi, có cây cổ thụ đứng đầu làng hay lặng lẽ chốn sườn non. Và cứ thế, cây in dấu thời gian năm tháng, đá rêu phong dầu dãi, một vài chú tiều làm bằng sứ hay mấy con trâu đất nằm gặm cỏ bên sông, đưa người thưởng ngoạn về một không gian làng Việt cổ xưa, nên thơ đáng nhớ. Ngay cả trong phòng khách sang trọng, chậu kiểng mi ni chỉ một cây dáng thế nghiêng nghiêng như người con gái duyên dáng chào khách, được cân đối bởi tảng nhỏ đá đẹp đứng bên, sẽ tăng thêm ấn tượng cho những lần gặp gỡ.
       Về nguyên liệu trong loại hình nghệ thuật nầy ngoài đá vôi có nơi còn dùng đá ong. Thế nhưng người chơi phải chú ý đến việc bảo vệ môi trường cảnh quang thiên nhiên. Đá sử dụng phải từ những nơi được phép khai thác. Vẻ đẹp cây cảnh sân vườn có thể ví như văn chương trên trang giấy, còn môi trường thiên nhiên là văn chương của cả quê hương, đất nước.
       Nói chung, cây và đá là những vật vô tri, nhưng khi có bàn tay khối óc con người tác động nghệ thuật vào thì cây và đá lên tiếng nói tâm hồn. Một cây kiểng đứng riêng lẻ chỉ ở mức đẹp bình thường, một tảng đá vôi chưa nói được hình ảnh của núi sông, nhưng khi ghép chung lại theo một trật tự nào đó thì vẻ đẹp sẽ cộng hưởng. Tài năng của các nghệ nhân, của những người đam mê cây cảnh được bộc lộ trong tạo dáng cây, làm non bộ và phối đá cho cây kiểng. Trong cuộc sống ngày nay, khoa học kỹ thuật đang đà phát triển, nhiều miền quê đã trở thành đô thị, phong cảnh thiên nhiên lắm chỗ bị thu hẹp thì hoa kiểng trở thành nhu cầu như cơm ăn nước uống hằng ngày. Nghệ thuật cây cảnh phối đá là sự phối trí hài hoà giữa cây và đá, có khi là nét chấm phá, có khi liên kết tô bồi, thẩm mỹ cho nhau mà sản phẩm là những vật thể mô phỏng thiên nhiên sống động, hữu tình.