Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Thơ LÀNG


                      Bùi Văn Tạo

                                        LÀNG

                      Làng xưa còn có cây đa cũ
                      Bóng trải xanh dài rộn tiếng chim
                      Vây làng ấp ủ tre xanh ngát
                      Dậu vườn dâm bụt nở hoa xinh

                      Làng xưa ngô lúa vui no ấm
                      Bến nước đường quê đợi em về
                      Nhớ mùa tim tím hoa xoan nở
                      Còn thoảng hương thơm mái tóc thề
                 
                      Làng qua năm tháng nhiều thay đổi
                      Lúa  mượt xanh đồng có ít hơn
                      Cau cũng vắng dần trưa in bóng
                      Bướm nhớ vườn rau cứ rập rờn

                      Làng nay tường gạch sân xây mới
                      In dấu tháng năm vật đổi dời
                      Dưa cà khoai sắn giờ xa vắng
                      Vui mà tha thiết chuyện bao đời !

                      Làng mãi trong lòng niềm thương cảm
                      Nắng sớm mưa chiều những người thân
                      Đất trời trong ánh bình minh rọi
                      Xúc động ngày lên biết bao lần !
                                            

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Văn: THÚ CHƠI CÂY CẢNH PHỐI ĐÁ VÔI

Bùi Văn Tạo

                      THÚ CHƠI CÂY CẢNH PHỐI ĐÁ VÔI

      Thú chơi cây cảnh có rất lâu trong đời sống người Việt. Người chơi hoa kiểng gửi gắm tâm tình, ý tưởng và có khi tính cách của mình qua tạo thế cây. Khi đã vào hàng nghệ nhân, người chơi cây khai thác được các ưu thế kiểu dáng cây tự nhiên, chỉnh sửa rồi đặt cho nó những cái tên hay và ý nghĩa như: huyền chi lạc địa, long bàn hổ phục, phụ tử giao chi,…Bên cạnh thú chơi cây cảnh còn có thú chơi non bộ đá vôi với những luật tạo hình nghiêm ngặt mà hấp dẫn. Hai loại hình nghệ thuật nầy gặp nhau tạo nên loại hình mới: cây cảnh phối đá vôi, vừa đẹp vừa giàu tính sáng tạo.
     Nếu đơn lẻ riêng cây, một cây kiểng đẹp phải có tuổi đời khoảng ba mươi năm trở lên, thân có độ to tương đối, cành chi dích dắc thể hiện từng trải năm tháng, nắng mưa, dáng thế trực hoành tuỳ cây và sở thích của người chơi. Đối với non bộ, để có ngọn giả sơn ấn tượng phải có những tảng đá đẹp, liên kết nhau theo một qui tắc nghệ thuật của thú chơi nầy. Việc dựng non bộ cũng khá công phu bởi phải đẹp như núi non thật và tránh những điêu cấm kỵ như xuyên tâm, triệt đạo,…Còn cây kiểng phối đá thì có thể vận dụng hài hoà để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sống mà vẻ đẹp có thể đi xa hơn. Lợi dụng ưu điểm đá vôi mềm, dễ tạo hình và thấm nước từ đáy lên đỉnh nên người ta dùng đá vôi cục nhỏ xếp lại thành cụm to, cao rồi đặt cây cảnh lên. Khi rễ đã bám chằng chịt vào đá và phát triển thì cụm đá trở thành gốc cây, lúc đó cây có bộ đế vững vàng, tác giả tạo hình chỉ việc sửa chi thế, còn gốc cây càng ngày vẻ cổ xưa càng được biểu lộ. Tuy đá vôi chưa phải là loại quí hiếm, nhưng cũng có những tảng to, hình dạng đẹp, dân chơi cây cảnh gọi là đá một. Lợi dụng thế đứng vững vàng, đường nét nghệ thuật của những tảng nầy, người ta đặt nó lên hồ, chậu to rồi chọn vị trí phù hợp mà cho cây bám đá (thường là cây sanh), làm thế nào để nhìn toàn cảnh đá và cây trông đẹp hơn. Khi cây đã sống, rễ sẽ phát triển ôm tảng đá và men dần xuống nước. Từ đó, rễ ngày một lớn thêm, hình thù như trăn bò, rắn lượn, còn thân cây phát triển theo hướng vươn ra bờ vực cheo leo, buông rễ phụ xuống mặt hồ giống bức rèm thiên nhiên treo giữa chốn hoang sơ. Người ta còn phối trí cây kiểng và non bộ bằng cách dựng đá thành núi non, đồng bằng, sông rạch rồi đặt vào chỗ hợp lý những cây kiểng đẹp. Loại hình nầy tạo cho người xem hình tượng về những miền quê bên sông, bên núi, có cây cổ thụ đứng đầu làng hay lặng lẽ chốn sườn non. Và cứ thế, cây in dấu thời gian năm tháng, đá rêu phong dầu dãi, một vài chú tiều làm bằng sứ hay mấy con trâu đất nằm gặm cỏ bên sông, đưa người thưởng ngoạn về một không gian làng Việt cổ xưa, nên thơ đáng nhớ. Ngay cả trong phòng khách sang trọng, chậu kiểng mi ni chỉ một cây dáng thế nghiêng nghiêng như người con gái duyên dáng chào khách, được cân đối bởi tảng nhỏ đá đẹp đứng bên, sẽ tăng thêm ấn tượng cho những lần gặp gỡ.
       Về nguyên liệu trong loại hình nghệ thuật nầy ngoài đá vôi có nơi còn dùng đá ong. Thế nhưng người chơi phải chú ý đến việc bảo vệ môi trường cảnh quang thiên nhiên. Đá sử dụng phải từ những nơi được phép khai thác. Vẻ đẹp cây cảnh sân vườn có thể ví như văn chương trên trang giấy, còn môi trường thiên nhiên là văn chương của cả quê hương, đất nước.
       Nói chung, cây và đá là những vật vô tri, nhưng khi có bàn tay khối óc con người tác động nghệ thuật vào thì cây và đá lên tiếng nói tâm hồn. Một cây kiểng đứng riêng lẻ chỉ ở mức đẹp bình thường, một tảng đá vôi chưa nói được hình ảnh của núi sông, nhưng khi ghép chung lại theo một trật tự nào đó thì vẻ đẹp sẽ cộng hưởng. Tài năng của các nghệ nhân, của những người đam mê cây cảnh được bộc lộ trong tạo dáng cây, làm non bộ và phối đá cho cây kiểng. Trong cuộc sống ngày nay, khoa học kỹ thuật đang đà phát triển, nhiều miền quê đã trở thành đô thị, phong cảnh thiên nhiên lắm chỗ bị thu hẹp thì hoa kiểng trở thành nhu cầu như cơm ăn nước uống hằng ngày. Nghệ thuật cây cảnh phối đá là sự phối trí hài hoà giữa cây và đá, có khi là nét chấm phá, có khi liên kết tô bồi, thẩm mỹ cho nhau mà sản phẩm là những vật thể mô phỏng thiên nhiên sống động, hữu tình.

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Thơ: THÁNG TÁM


                             Bùi Văn Tạo

                                            THÁNG TÁM

                                Tháng tám chiều lên xanh vời vợi 
                                Bãi bờ tiếng mõ gọi đàn trâu
                                Trăng cũng dệt tươi màu lụa mới
                                Đong đầy kỷ niệm gửi nơi đâu?

                                Tháng tám lúa về vai trĩu nặng
                                Đầu sân rồm rộm sắc rạ vàng
                                Mùa lên tận ngõ vui nô nức
                                Dẻo thơm cơm mới ấm no làng

                                Tháng tám Trung Thu đường quê nhớ
                                Trống "tùng, tùng, cắc" nhịp lân theo
                                Tết về em nhỏ mừng ngày hội
                                Xoe tròn ánh mắt ngắm đèn treo

                                Tháng tám cơn mưa qua bất chợt
                                Che nghiêng nhành lá mỏng manh nào
                                Lúng liếng mắt cười sau làn tóc
                                Dặm đời bỗng chốc nhớ nôn nao!

                                Tháng tám nhịp chày thơm hương cốm
                                Yên bình mây nước đượm tình quê
                                Mãi còn lắng đọng trong kí ức
               Hương sắc trời thu mỗi độ về

                                            Chiều 11 tháng 8 Nhâm Thìn 2012

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2012

BÈ RỚ MỘT NÉT LÀNG NGHỀ XƯA TRÊN SÔNG NƯỚC

Bùi Văn Tạo

BÈ RỚ, MỘT NÉT LÀNG NGHỀ XƯA
TRÊN SÔNG NƯỚC QUẢNG NGÃI
     
      Bè rớ là một loại nghề của ngư dân có từ rất lâu, hoạt động đường sông lạch vùng gần biển. Lênh đênh trên sông nước với cụm từ “giang khê vi nghiệp”, lúc đầu họ không sống thành làng mà chỉ quan hệ nhóm bạn nghề. Trải bao năm tháng, ngày nay hầu như không còn nữa, nhưng là một nét văn hóa nghề sông gần gũi với thiên nhiên mà các thế hệ sau nên biết đến.
      Bè rớ gồm bè và rớ. Bè được làm bằng tre tươi dài nguyên cây, thường là tre nang già. Mỗi bè được xếp từ bốn đến năm lớp tre, rộng độ ba mét. Cách làm, trước tiên người ta dùng tre cây đã trảy sạch mắt, xếp sát nhau thành lớp, chia khoảng đều và đặt bốn đến năm đà ngang rồi buộc chặt tre vào đà bằng dây rừng, lạt cật hay cước sợi lớn. Cứ thế người ta xếp tiếp các lớp khác, lớp trên cùng toàn tre thẳng tạo nên bề mặt tương đối phẳng, là chỗ sinh hoạt gia đình, hoạt động nghề nghiệp. Nửa bè phía gốc người ta dựng một sườn khoang như khoang thuyền, và phủ kín bên ngoài bằng tấm nang tre đan kín, trát dầu rái để che mưa nắng, về sau họ thay tấm nang bằng tôn kẽm. Khoang bè không thể lớn được, chỉ tạm đủ cho một gia đình vợ chồng và con cái ăn ở. Sau khoang là sân nhỏ dùng cho sinh hoạt hằng ngày, nấu ăn, chăn nuôi,…Còn trước khoang là sân nghề, ngoài đầu mũi bè người ta đặt một giàn rớ. Giàn rớ gồm hai cần tre dài, to bằng cổ chân người lớn, nhưng chắc chắn, liên kết cố định hình chữ V một bên dài, một bên ngắn. Chỗ khớp hai cần được nối động với một trục nằm ngang gắn chặt vào mặt bè. Cần dài vươn ra phía nước, người ta dùng dây thật bền buộc vào đầu cần bốn gọng tre xếp chữ thập tạo nên hai cánh cung chéo nhau ở giữa, mỗi gọng là một cây tre nhỏ, dài hơn năm mét. Đầu còn lại của bốn gọng được buộc chắc vào bốn góc làm căng một tấm lưới vuông, cạnh chừng sáu mét, lỗ lưới rộng cỡ một phân gọi là rớ. Cần ngắn hơn ở phía khoan có tác dụng tạo lực đối trọng khi cất rớ. Mỗi cần còn được gia cố thêm vài cây tre cho cứng cáp và làm nhiều bực thang để trèo lên hay lùi xuống dễ dàng. Muốn  đặt rớ xuống sông, người ta leo dần theo bực thang lên phía ngọn cần dài để đè rớ cho chìm hẳn xuống đáy nước. Muốn cất rớ phải thêm người trong gia đình trèo ngược lên phía đầu gọng ngắn, tạo lực đối trọng cho rớ cất nhanh lên khỏi mặt nước, nếu không cá sẽ thoát ra ngoài. Do vậy, suốt thời gian làm nghề, cả nhà vừa cất rớ vừa bắt cá, chung sức thật vui.
       Hàng năm thời gian hoạt động nghề khá dài, thường bắt đầu từ cuối mùa đông khi lũ lụt đã vơi dần, qua suốt những tháng nắng đến đầu mùa mưa năm sau, thịnh nhất là vào những đêm tối trời và nước trong. Muốn nhử cá, người ta treo đèn sáng rực giữa rớ ngay trên đầu gọng để cá thấy ánh sáng mà tụ đến. Mỗi mẻ rớ, từ khi đặt xuống đáy nước đến khi cất lên chừng hơn mười phút. Gặp lúc cá nhiều, cảnh cất rớ nô nức hẳn, họ chạy lên cần rớ dài phía sông rồi lại chạy lên cần ngắn phía khoang, đều đều như thế, và cá được bắt vào đầy giỏ, đó là phút giây hạnh phúc, no ấm của nghề sông nước. Đến cuối thu, khi mưa nguồn về mạnh, nước đục sông, người ta lần lượt chèo bè đến những vùng sông lạch bình yên để vừa hành nghề sinh nhai, vừa tránh bão lũ làm trôi bè; bởi bè là sản nghiệp của họ như ruộng vườn của nhà nông. Hằng ngày, ngoài thời gian tác nghiệp, cả nhà nghỉ ngơi, sinh hoạt, vui chơi cũng trên chiếc bè. Xưa kia cuộc sống ngư dân bè rớ có phần cách biệt với đất liền vì luôn di động trên sông lạch, tìm chỗ cá nhiều để đánh bắt. Họ chỉ giao tiếp với cư dân trên bờ vào những lúc đem cá đến chợ hay bán rong đường thôn xóm, và mua những thứ cần thiết. Ở đâu cũng nhớ ông cha, trong khoang chỗ trang trọng nhất ngư dân bè rớ đặt bàn thờ tổ tiên, ngoài khoan trên cao lại đặt một trang nhỏ thờ thần sông nước, cũng là nét văn hóa tâm linh chung trong đời sống người Việt.
       Ngày trước do cách sống “giang khê” nên trẻ con của ngư dân bè rớ thiếu điều kiện học hành. Trong gia đình khi con cái đến tuổi trưởng thành, cha mẹ dành dụm tiền của tạo một chiếc bè mới như chia của cho con, sau cưới hỏi là tách riêng gia đình. Và họ thường tìm bạn đời nhau, cưới  hỏi với người trong bạn nghề để dễ hiểu, dễ sống. Rồi đất nước đổi thay phát triển, dần dần ngư dân bè rớ cũng nhận ra cuộc đời nếu mãi lênh đênh trên sông lạch sẽ chịu nhiều thua thiệt, con trẻ không được hòa nhập cùng chúng bạn,...Từ đó, họ rủ nhau lên những triền sông lập xóm để vừa có điều kiện chung sống với cư dân đất liền, vừa thuận tiện nghề sông nước. Những xóm ấy nay trở thành làng đông vui, trai gai tự do lập gia đình với bạn đồng trương lứa của nhiều tầng lớp xã hội trong cộng đồng cư dân nông thôn.
        Năm tháng trôi qua, sông vẫn bên bồi bên lở, còn cuộc sống của ngư dân bè rớ đã đổi thay khác hẳn hơn xưa. Đến nay, nghề bè rớ hầu như vắng bóng, người già nua đã qua đời, trẻ con trở thành trai tráng, nhưng hình ảnh chiếc bè, cảnh gia đình cùng nhau cất rớ, ánh lửa lập lòe trên sông, cuộc sống ngược xuôi theo dòng nước, rồi đến lúc phải lên bờ định cư lập nghiệp mới,…. Tất cả những điều đó mãi là nét văn hóa đẹp chứa đựng tình cảm quê hương vùng hạ lưu vùng sông nước Quảng Ngãi.
  

Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

Thơ: YÊU

                          Bùi Văn Tạo

                                                YÊU

                              Yêu là hương vị của gừng cay
                              Muối mặn tình em cách biệt ngày
                              Anh sẽ làm mây hay gió nhẹ
                              Che đường em mát tóc vương bay

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

THANG TƯ NHUNG NHỚ



                    Bùi Văn Tạo

          THÁNG TƯ NHUNG NHỚ

Chia tay hương sắc mùa xuân
Chạnh lòng một khoảng bâng khuâng giao mùa
Râm ran trong tán lá trưa
Tiếng ve say hát cũng vừa tháng tư
Em còn như tuổi đôi mươi?
Bến sông soi tóc để người đợi trông
Sau hè rau đắng trổ bông
Chiều lên vi vút tầng không nắng vàng
Yên bình mây trắng lang thang
Đi qua vô định ngút ngàn đường xa
Giữa mùa mướp rực vàng hoa
Vườn xanh sai quả thướt tha đầu cành
Đất trời vào hạ treo tranh
Gửi em trái chín ngọt lành đậm hương
Lam lam chiều nét quê hương
                             Tháng tư nỗi nhớ người thương lại về!

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

TÍNH DÂN TỘC VÀ HIỆN ĐAI TRONG SÁNG TÁC VÀ BIỂU DIỄN CA KHÚC Ở QUẢNG NGÃI

Bùi Văn Tạo

                       TÍNH DÂN TỘC VÀ HIỆN ĐẠI TRONG
        SÁNG TÁC VÀ BIỂU  DIỄN CA KHÚC Ở QUẢNG NGÃI

        Âm nhạc hiện đại được hiểu theo góc độ có nguồn gốc từ phương Tây, hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ. Hệ thống âm hình, tiết tấu, nhịp phách, điệu thức,…là cơ sở để các nhà soạn nhạc làm nên những tác phẩm nhạc không lời, có lời,…tồn tại mãi với thời gian. Âm nhạc hiện đại du nhập vào Việt Nam khoảng đầu thế XX, cùng với âm nhạc cổ truyền tạo nên diện mạo riêng cho âm nhạc nước nhà. Nhiều tác phẩm tân nhạc hay đã ra đời trong giai đoạn nầy của các nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Tô Vũ, Đặng Thế Phong, Nguyễn Đình Phúc, Phạm Duy, Văn Chung,...Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, âm nhạc đã góp phần không nhỏ trong giáo dục tình yêu quê hương, cổ vũ tinh thần độc lập, gương hy sinh cao cả,…để rồi đất nước đến ngày toàn thắng. Trong xu thế đổi mới, hội nhập và phát triển, làn sóng âm nhạc thế giới càng lan nhanh vào nước ta. Cho nên, phát huy tính dân tộc và hiện đại trong sáng tác, biểu diễn ca khúc là vấn đề luôn cần được sự quan tâm của các cấp quản lý, lực lượng sáng tác, biểu diễn,…và người thưởng thức cả nước nói chung và Quảng Ngãi nói riêng.
       Trước hết nói về âm nhạc của người trưởng thành. Các thế hệ nầy, đa số tiếp cận âm nhạc thông qua hệ thống các bài hát trên đài phát thanh truyền hình, băng đĩa nhạc hay buổi biểu diễn, nghe dần thành thâm nhập. Họ thích nghi với dòng nhạc ca ngợi tình yêu quê hương, lứa đôi, giai điệu nhẹ nhàng, ca từ gần gũi với cuộc sống. Một số tác phẩm có tính học thuật cao, ca từ chứa đựng triết lý sâu xa được giới am hiểu âm nhạc tiếp nhận ghi nhớ như điều kinh điển. Đáp ứng nhu cầu trên, các nhạc sĩ Quảng Ngãi đã sáng tác nhiều ca khúc có giá trị lưu hành rộng rãi trong công chúng, có thể kể một số đại diện như: Tiếng đàn xe nước của Văn Đông; Hỡi dòng sông Trà của Thế Bảo; Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường của Trương Quang Lục; Nghe câu hò Ba lý của Trần Xuân Tiến; Quảng Ngãi nhớ thương của Nguyễn Tuấn; Hợp xướng Chân sóng của Văn Phượng; Con đò thời gian của Phạm Tuy; Biển đảo nghìn trùng Tổ quốc ta của Điền Sơn; Quảng Ngãi trong tôi của Đình Thậm; Màu xanh thời gian của Dương Quang Hùng; Cô giáo Plây em của Võ Văn Hoàng và rất nhiều ca khúc hay của nhiều nhạc sĩ Quảng Ngãi khác (không thể liệt kê hết được). Nhiều nhạc sĩ ngoài tỉnh cũng đã dành tình cảm viết nhiều bài hát cho Quảng Ngãi như Du kích Ba Tơ của Dương Minh Viên; Hương quế Trà Bồng của Đào Việt Hưng;…Dòng ca khúc nầy phảng phất làn điệu dân ca, câu hò, câu hố miền xuôi, miền ngược xứ Quảng. Đối với âm nhạc dân gian vùng cao của đồng bào Hre, Kor, Ca dong là các làn điệu Ta lêu ta choi, Dê oh dê,…Âm hưởng cồng chiêng và điệu múa vào mùa phát rẫy, lễ hội đâm trâu từng làm sôi động núi rừng, phản ảnh cuộc sống gần gũi thiên nhiên của đồng bào nơi Trường Sơn đại ngàn. Các nhạc sĩ Quảng Ngãi đã khai thác những chất liệu dân gian đó, vận dụng âm nhạc hiện đại vào để làm nên những tác phẩm có giá trị lớn trong đời sống công chúng, tiêu biểu như: Giấc hương mùa của Trần Xuân Tiên đậm chất Hre; Mời rượu cần của Đinh Thiên Vương đậm chất Ca dong; Đêm hội làng Kor của Minh Châu đậm chất Kor; và nhiều tác giả, tác phẩm khác,…Các nhạc sĩ, nhạc công đã sử dụng linh hoạt những tiết điệu, với nhiều nhạc cụ hiện đại và dân tộc để phối nhạc đệm cho mỗi tác phẩm, chất lượng khá tốt. Những ca khúc nói trên, nhiều biên đạo, ca sĩ, diễn viên Quảng Ngãi đã dàn dựng và biểu diễn thành công tại nhiều lần hội thi, hội diễn trong, ngoài tỉnh. Các làn điệu dân ca Trung Trung bộ, trong đó có nét riêng Quảng Ngãi cũng được các nhạc sĩ ký âm, đặt lời mới và các ca sĩ đã trình diễn tạo nên nhiều tiết mục đậm đà bản sắc dân tộc, được công chúng ngưỡng mộ. Còn thể loại nhạc trẻ hiện nay, ca từ đơn giản, tiết nhịp rộn ràng với sự hỗ trợ đắc lực của các loại nhạc cụ được nhiều bạn trẻ ưa thích, nhưng chưa thịnh ở Quảng Ngãi.
       Đối với thiếu nhi, thiếu niên, từ chất liệu dân gian như: đồng dao, hò vè,…các nhạc sĩ đã sáng tác nên những ca khúc cho thiếu niên, thiếu nhi. Dòng ca khúc nầy được các em tiếp nhận, say sưa hát ở trường lớp, gia đình hay những lần công diễn, họp bạn,…Hình ảnh quê hương lại hiện về trong tâm hồn tuổi thơ xứ Quảng và lan rộng đến nhiều miền đất nước. Tiêu biểu cho phong trào nầy là nhạc sĩ Trần Xuân Tiên với nhiều ca khúc, tổ khúc, mà các em thiếu niên, thiếu nhi đã từng dự thi cấp trung ương đạt giải cao.
       Về lực lượng biểu diễn, các nghệ sĩ dàn dựng sân khấu Quảng Ngãi thiên về thể loại hát múa với số lượng diễn viên đông. Tùy theo yêu cầu của cuộc thi hay đêm diễn, khá nhiều tiết mục đã khai thác được nét đẹp dân gian Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, thể hiện qua phong cách diễn ca, sắc màu hóa trang, động tác múa,…Nghệ thuật múa, khiêu vũ phương Tây cũng được vận dụng hợp lý vào những chỗ dùng sức bật nâng người, xoay người để tiết mục sinh động. Trong thời gian gần đây thể loại Aerobic phát triển trong hội thi, hội diễn của học sinh, được coi như múa vui khỏe trên nền nhạc; và các nghệ sĩ dàng dựng đã tích cực sử dụng nhạc Việt.
       Miền Trung - Tây Nguyên, vùng đất trầm tích đa tầng văn hóa, là kho tàng vô giá văn nghệ dân gian. Thể hiện tính dân tộc và hiện đại trong sáng tác, biểu diễn ca khúc là trách nhiệm của người soạn nhạc, người dàn dựng, người biểu diễn nhằm gìn giữ bản sắc và phát triển âm nhạc Việt Nam, trong đó có Quảng Ngãi. Còn người thưởng thức nói chung và các bạn trẻ cần tiếp nhận, cổ vũ cho sự kết hợp hài hòa phát triển tính dân tộc và hiện đại trong âm nhạc cũng là điều rất cần thiết.

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2012

Thơ: PHÍA ẤY TRỜI MƠ


                             Bùi Văn Tạo

                                           PHÍA ẤY TRỜI MƠ

                              Lang biang ngực trần bầu vú mẹ
                              Chảy muôn dòng thác núi cao nguyên
                              Tình dân tộc ánh sử thi huyền thoại
                              Mạch trầm hùng và hương sắc bình yên

                              Da tan la suối nguồn xanh cây lá
                              Đường bậc thang uốn lượn xuống lòng thung
                              Thác mãi miết duyên ngàn năm khe suối
                              Gửi niềm riêng sau ánh mắt ngại ngùng

                              Ngàn hoa đẹp trời mộng mơ dịu ngọt
                              Bước chân người lạc lối đến say mê
                              Qua mưa nắng những mùa em chờ đợi
                              Rừng thông xanh biên biếc nắng đường về

                              Đêm Lạc Dương rượu cần say điệu múa
                              Gọi rừng thiêng qua tiếng hát của em
                              Bập bùng lửa nhịp thở dồn căng ngực
                              Lang biang sôi động dưới trời đêm

                              Dẫu Tây Nguyên mưa về nghe rả rích
                              Dẫu thời gian dấu tích bụi phai mờ
                              Hoa vẫn đẹp để mai về nhung nhớ
                              Chia tay rồi Đa Lạt phía trời mơ.


Thứ Năm, 12 tháng 7, 2012

Thơ: LẶNG LẼ

                               Bùi Văn Tạo

                                                LẶNG LẼ

                               Hờn em lặng lẽ mấy ngày qua
                               Nghĩ rằng người mãi phía chia xa
                               Bỗng trong nỗi nhớ thành giông bão
                               Xô bờ ngăn cách với em ta

                               Mây vẫn đường mây phương trời ấy
                               Những chiều man mác bước chân qua
                               Bao giờ gặp lại em yêu nhỉ?
                               Trăng sẽ diệu huyền nét cười hoa.

Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

ĐOAN NGỌ, DỊP TẾT MÙA CÂY TRÁI


                ĐOAN NGỌ, DỊP TẾT MÙA CÂY TRÁI
      
          Đất nước ta thời tiết thuận lợi cho sự phát triển động thực vật, phong phú về lễ hội, có nhiều ngày tết trong năm. Tết Đoan Ngọ vào mồng năm tháng năm âm lịch đã có từ rất lâu. Tết gắn liền với mùa trái cây, sản phẩm của nông nghiệp, cùng với tục góp lá làm thức uống theo kinh nghiệm dân gian là những đặc điểm của một loại tết cổ truyền Việt Nam.
         Lúc nầy vào giữa mùa hạ, nắng nhiều, theo nông lịch xưa là thời điểm cấy mạ vụ lúa tháng mười. Tết Đoan Ngọ không có qui mô lớn như tết Nguyên Đán, nhưng  vẫn được nhà nhà quan tâm chuẩn bị. Bởi ngày trước trái cây không có nhiều như bây giờ, mà chỉ các loại quen thuộc như chuối, mít, xoài, ổi, mận,…Riêng những vùng chuyên canh cây ăn quả như ở Nam bộ thì trái cây mới phong phú. Do vậy, để có trái chín ngày mồng năm nhiều khi phải giú. Dường như mít là là loại chủ lực, cho nên nếu chưa kịp chín người ta phải hái trái già, chặt phần quả phía cuốn, đóng nọc tre vào cùi. Nhà nào không trồng mít phải mua trái của nhà khác. Chuối trong vườn nhà hoặc mua cũng phải có để làm phẩm vật cúng. Mận, xoài, chôm chôm,..được xem như trái  cây qúi. Tết Đoan Ngo,ï việc đầu tiên của mỗi gia đình là cúng tổ tiên bằng hoa quả. Nhà nào có điều kiện thì thịt gà, vịt, có khi chung nhau mổ lợn, bò, làm thêm mâm cổ thịnh sọan trước cúng ông bà sau đó gia đình ăn uống. Theo tập tục của người kinh, khi hai gia đình đãõ hứa hôn, nhà trai phải đi thăm lễ tết dịp mồng năm tháng năm  nhà gái; con cháu phải về thăm ông bà, cha mẹ nếu không ở xa,...Một loại bánh khá đặc trưng trong dịp tết là bánh ú tro, những gia đình người Việt gốc Hoa hầu như đều có. Bánh ú tro hình thù như chiếc bánh ú thông thường nhưng nhỏ hơn, cách chế biến và hương vị cũng khác.
       Tết Đoan Ngọ, dân gian còn có chuyện đi tìm thằn lằn sống thả chạy qua thau nước sạch  rồi đem nước ấy rửa mặt để sáng mắt, hoặc người ta ít thấy rắn xuất hiện. (Chưa tìm được ý nghĩa hay cách lý giải thuyết phục về những chuyện nầy, chỉ ghi lại sự việc). Còn chuyện góp lá mồng năm thì rõ ràng, vừa đông vui, vừa ấn tượng và dễ thấy tác dụng lợi ích. Chừng nửa buổi sáng, khi cây lá đã ráo sương đêm, trong nhà việc chuẩn bị lễ vật cúng tổ tiên cũng xong, người ta rủ nhau đi góp lá mồng năm. Người có kinh nghiệm trong gia đình, thường là mẹ, chị gái lớn, có khi cha hay anh trai cầm liềm, dao đi chặt cây lá. Cây lá thu hái về như xấp xôi, lá vằng, lá sả, cam thảo đất, tía tô, hoắc hương, kim châu, chùm gửi cây dâu,…là những loại cây đã thông qua kinh nghiệm nhiều đời truyền dạy, làm thuốc, có ích cho cơ thể, không gây độc hại. Quan niệm dân gian còn cho rằng lá mồng năm phải được băm nhỏ, trộn đều ngay giữa giờ ngọ thì mới có tác dụng tốt. Khi đã phơi nhiều nắng, cây lá thật khô, tuỳ mỗi gia đình có thể cho vào bao hay vật đựng khác miễn không ẩm lại, vài tháng sau đem ra sử dụng. Lá mồng năm được dùng riêng hoặc pha với chè nấu làm thức uống. Người chưa quen sẽ thấy hương vị lạ, không giống kiểu chè hay trà nào trên thị trường. Con những ai dùng quen sẽ thích uống nóù, nhất là vào mùa đông giá lạnh. Nước lá mồng năm tạo điều kiện tiêu hoá tốt, giải cảm mạo phong hàn, đỡ nhứt mỏi gân cốt cho người lớn tuổi, an thần dễ ngủ,…
        Tết Đoan Ngọ thời xưa, nhà nào cũng cúng tổ tiên, trẻ con rất vui vì  được ăn cổ và trái cây thoả thích. Gia đình khá giả ăn uống sang hơn. Do vậy mà xóm làng, chợ búa nhộn nhịp hẳn lên. Thời gian tết tuy ngắn nhưng khá ấn tượng. Ngày nay xã hội phát triển, trên đất nước có nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái, mô hình kinh tế vườn được nhân rộng với nhiều giống cho quả quanh năm. Tết mồng nămï người ta không còn chuẩn bị như trước. Rất ít người đi góp lá làm thức uống, chỉ còn ở các miền quê xa, hay những nơi giữ được tập tục cổ xưa. Lớp trẻ hầu như không biết nhiều về việc nầy. Nhưng ngẫm ra tết vào dịp giữa năm, trời nắng, những nơi có đủ nước tưới cây lá xanh tươi đúng độ, quả sai đầy cành, là tết mùa cây trái. Lá mồng năm làm thuốc Nam, dân dã mà hiệu nghiệm, nhiều loại trong số chúng nay được bào chế thành trà gói bao, dán nhãn như chè vằng, chè thanh nhiệt, chè nhân trần,… sử dụng tiện ích. Cho nên mỗi độ tháng năm về chắc không ít người còn nhớ tuổi thơ mình, chờ có dịp vui, ăn cổ, ăn trái cây và theo mẹ học góp lá, để rồi cái thức uống thơm thơm, lạ lạ đó lòng mãi mang theo. Tết Đoan Ngọ, mùa hoa trái, phản ảnh sự hoà quyện giữa thiên nhiên và cuộc sống, chứa đựng tình cảm, nỗi niềm trong mỗi con người, trong gia đình, làng xóm, là nét văn hoá truyền thống nên quan tâm gìn giữ!   

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Thơ: MỘT CHÚT THÊM






                    Bùi Văn Tạo
                                 
                                  MỘT CHÚT THÊM
                                     
                          Bồi hồi đi giữa nắng trưa
                          Chạm vào xa cách cũng vừa nhớ em
                          Trời làm tĩnh mịch màng đêm
                          Canh khuya thao thức bên thềm giọt sương
                          Xa xa phía ấy người thương
                          Anh làm bóng mát dặm đường che em
                          Mỗi ngày rót một chút thêm
                          Thành da diết nhớ êm đềm bên sông!
                         

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Thơ: THÁNG GIÊNG NÚI VÀ BIỂN

Bùi Văn Tạo
   
                                   THÁNG GIÊNG, NÚI VÀ BIỂN

                                  “Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”
                                    Ý tự ngàn xưa của tổ tiên
                                    Đất nước núi rừng ra biển cả
                                    Ruộng đồng ôm ấp mối tình thiêng

                                    Trường Sơn một dải liền nam bắc 
                                    Tận những đảo xa nước non nhà
                                    Còn vang trống hội thời mở cõi
                                    Non sông khúc hát khải hoàn ca

                                    Sương giăng Trường Lũy dài năm tháng
                                    Đôi miền xuôi ngược tay nắm tay
                                    Tiếng chiêng thì thụp xanh nương rẫy
                                    Điệu hò mùa lại thóc vàng sây

                                    Qua bao làng bản, đồng trải rộng
                                    Mênh mông sóng nước hướng biển Đông
                                    Tổ quốc, tấm lòng dân nước Việt
                                    Hơn cả triều lên với bão giông

                                    Tháng giêng núi rừng khoe sắc thắm
                                    Biển gọi dong thuyền lướt xa khơi
                                    Hoàng Sa, Trường Sa hay những đảo
                                    Thắp lửa tình yêu lộng đất trời !

Tản văn: SÔNG RE CÂU HÁT GỌI NGƯỜI VỀ

Bùi Văn Tạo

                            SÔNG RE CÂU HÁT GỌI NGƯỜI VỀ!

        Sông Re là một trong những thượng nguồn quan trọng của sông Trà Khúc, chảy qua các xã miền tây huyện Ba Tơ rồi vào huyện Sơn Hà. Suốt chiều dài hơn 70 cây số sông làm nên những nét văn hoá riêng của vùng đất một thời nổi tiếng rừng thiêng. 
       Khu tam giác giữa ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định và Gia Lai sở hữu một một vùng núi rộng lớn, rừng nguyên sinh đa thực vật với nhiều gỗ và thú quí hiếm. Trong ấy có hang Dơi, nơi hàng vạn con dơi sinh sống với một trữ lượng phân rất lớn chưa được khai thác. Vùng núi nầy tạo nguồn nước, một đổ về sông Côn, Bình Định, một chảy về xã Ba Xa, Ba Tơ tạo nên thác Đeklay. Từ bạt ngàn núi, suối ở độ cao khoảng ba trăm mét đổ nước theo vách đứng giống như  rót ra từ miệng chai. Thác cách thị tứ Bà Vì khoảng 25 km, những ngày trời trong từ khá xa người ta vẫn quan sát được dòng thác dài như dải lụa mềm mại trắng xoá. Thác Đeklay là đầu nguồn của sông Re, thuộc thôn Gọi Re. Từ đây sông chảy qua các xã Ba Xa, Ba Vì, Ba Tiêu, Ba Ngạc (thuộc huỵên Ba Tơ), rồi Sơn Ba, Sơn Kỳ, Sơn Thuỷ, Sơn Hải (thuộc huyện Sơn Hà). Trong địa phận Ba Tơ sông dài khoảng 40 km, chảy theo  hướng nam bắc, nhiều đoạn lại có hướng từ đông chảy lên tây, đến địa phận Sơn Hà thì chuyển hướng đông bắc rõ rệt. Sông Re đẹp bởi địa hình quanh co, ghềnh thác, chia cắt bạo liệt. Từ trên cao nhìn xuống, sông Rhe như một nét vẽ của hoạ sĩ tài hoa, bởi nó gấp khúc mà mềm mại đến sinh động. Sông ôm ấp núi đồi, lượn qua những thung lũng có bóng dáng của lúa vàng, len vào vực sâu rồi lại thoát ra để gặp gỡ bản làng,…Sông có nhiều bãi đá đẹp, có những bãi toàn đá tròn, có những bãi toàn đá tảng do nước bào mòn xâm thực tạo nên hang hóc đủ hình đủ dạng đẹp mắt. Mùa nắng, khi nước sông trong veo chảy dưới lòng là lúc những bãi đá hai bờ có dịp phơi mình khoe cảnh. Dốc Ui cao dựng ngược cách bãi đá Nước Ui không xa, là con đường tắt qua địa phận tỉnh Kontum. Thời kháng chiến chống Pháp đây là tuyến đường quan trọng để cách mạng vận lương tải đạn tiến đánh cứ điểm Mang Đen của Pháp. Xưa kia, sông Re chảy qua bạt ngàn rừng nguyên sinh, xa vắng bản làng, nổi tiếng rừng thiêng nước độc: “Sông Re vang tiếng cọp đàn. Muỗi bạc, ruồi vàng, vắt kim cương”. Người muốn qua sông không dễ, phải dùng thuyền ghép ván gỗ hay thuyền độc mộc. Chuyện kể lại khi lập đồn Mang Đen, Pháp tuyên bố “Bao giờ nước sông Rhe chảy ngược thì Việt Minh mới đánh được đồn nầy”. Có lẽ người Pháp nghĩ rằng họ chiếm ưu thế phương tiện, còn Việt Minh thì phải qua vùng núi hiểm trở nước độc mới đến được Mang Đen. Nhưng thật ra sông Re có nhiều đoạn “chảy ngược” từ đông lên tây và Việt Minh đã chiếm được đồn Mang Đen, góp phần làm suy yếu lực lượng quân sự của Pháp thời ấy.
       Đến với sông Re ngày nay, suốt chiều dài sông chảy qua một số xã của hai huyện Ba  Tơ và Sơn Hà đây đó những bản làng đông vui. Nhà sàn của đồng bào Hrê được xây cất kiên cố, mái đa phần lợp ngói, thỉnh thoảng mới có mái lá giữ nét nguyên sơ đẹp thơ mộng. Hai bờ sông Re không còn nhiều rừng nguyên sinh mà là rừng trồng, rừng thứ sinh. Dựa vào thế núi quanh co, đồng bào dân tộc đã đắp những bờ đá ngăn dòng, đưa nước về những cánh đồng nhỏ giúp nghề trồng lúa nước vùng cao phát triển. Tuy địa hình dốc, nhưng đôi bờ sông cũng có nhiều bãi bồi, nơi đây người ta trồng mía, dưa, đậu,…là nguồn kinh tế góp phần phát triển đời sống miền ngược khu vực ven sông. Sông Re còn nổi tiếng cá niên sống nơi ghềnh thác nước, một món ăn đặc sản được nhiều nơi biết đến.
        Hoang vắng thời xa xưa của sông Re không còn nữa, thay vào đó nhiều chiếc cầu treo, cầu tràn, cầu vượt lũ tạo lưu thông thuận lợi đôi bờ. Mùa lũ lụt trẻ con vẫn có thể đến trường học được. Tiếng cọp đàn với rừng thiêng nước độc đã lùi vào dĩ vãng, chỉ còn lại những nét văn hoá vật thể và phi vật thể trong hình thành bản làng, tập tục giao tiếp, cưới xin, tang lễ, công cụ lao động, nhạc cụ, món ăn…Suốt chiều dài, sông gắn bó với đời sống đồng bào dân tộc Hrê, với tiếng chiêng, điệu múa hội mùa, với làn điệu ta-lêu ta-choi, với những cuộc tình đẹp hò hẹn nhau bên bờ suối trong,..Sông Re mùa khô cần mẫn góp nước về xuôi để Trà Giang luôn sức sống, còn mùa mưa thì báo lũ để phía đồng bằng biết được. Trong tình cảm và nỗi nhớ, sông Re luôn câu hát gọi người về!

Thơ: NHỚ

                    Bùi Văn Tạo
                                                   
             

                  NHỚ

Nghiêng nghiêng giọt nắng bên thềm
Nhớ em chợt tiếng êm đềm chiều rơi
Dẫu đi góc bể chân trời
Tình anh nỗi nhớ bên đời có em
Dặm đường xuôi ngược dài thêm
Anh vui vì lại có em bên mình
Trăng khuya hay buổi bình minh
Gửi niềm tha thiết tâm tình người thương
Trời làm những lúc mờ sương
Bâng khuâng loang cả dặm đường anh qua
Tầm xuân đã mấy mùa hoa
Để anh khắc khoải nhớ nhà bên sông!

                  Trại Sáng tác Vũng Tàu, chiều 10/03/2012

Thơ: XIN GỬI LẠI

XIN GỬI LẠI
Quê hương ơi nghe lòng khắc khoải
Khoai sắn cùng người vất vả quanh năm
Những mùa hạ đồng khô rám nắng
Đỏ bụi đường mỗi cơn gió đi qua

Quên sao được tháng ngày đánh giặc
Xơ xác làng quê vắng vẻ bóng người qua
Trong gian khó lửa hồng vẫn đỏ
Những mùa thưa chồi rẫy giữ quê hương

Vạn Tường ơi ngôi trường đầy ánh nắng
Hai mươi năm rồi phượng lớn được bao nhiêu
Cây bóng mát mà như hoa kiểng
Thắp lửa hè rực rỡ đợi mùa thi
Tôi vui gặp cậu học trò năm trước
Nay trở thành thầy giáo trường xưa
Lặng lẽ kể quãng đời thơ ấu
Nơi đã từng lắm nỗi gian nan

Tuổi mười tám hồn quê chất phác
Vượt đường xa náo nức đến trường thi
Đem chữ nghĩa theo đời mơ ước
Sẽ mai nầy những bước đổi thay

Gửi lại bạn nỗi lòng ray rứt
Đồng quê thừa nắng ít màu xanh
Còn nhớ mãi phượng mùa hoa ấn tượng
Như ngôi trường qua những bước gian nan
                            Bình Phú, Bình Sơn. mùa thi Tú tài 2005

Thơ: TIỄN CON

TIỄN CON
                                     
Con đến trường thực tập
Như bố mẹ ngày xưa
Tuổi thơ hoa chớm nở
Khoe sắc dưới trời xuân
                
Qua một thời trăn trở
Năm tháng nghề giáo viên
Bây giờ niềm mơ ước
Hạnh phúc mỉm cười con
                
 Đêm mấy lần thao thức
Nghe mạch chảy thời gian
Niềm vui con khôn lớn
Tập tễnh bước vào đời
                  
Tiễn con nơi đầu ngõ
Rạng đông phía chân trời
Bắt đầu một ngày mới
Tiếng chim hót nơi nơi.

Thơ: ĐÔI VAI ẤY

ĐÔI VAI ẤY

Cha thì yếu mà đồng xa nắng gió
Đôi vai gầy gánh nặng bóng liêu xiêu
Bước gắng sức chiều quê chân hối hả
Gió rong chơi con trẻ thả sáo diều

Tuổi thơ đi qua vai cha làm chỗ dựa
Nâng đời con trên những nẻo quê hương
Như còn đó đêm trường trời lạnh giá
Lửa bập bùng chuyện kể ấm tình thương

Ngày thanh thản cha ngâm câu sách cổ
Thêm lòng con yêu cuộc sống tình người
Yêu đất nước bao la trời biển rộng
Đường tương lai nào ngại bước gian lao





Nay quang gánh xa người buồn nghĩ ngợi
Mùa đồng lên rộn rã máy reo vang
Vườn hoa trái nhà nông sân nhiều thóc
Con đường quê ngõ đẹp ngát hương cau

Trong sương sớm hương trà thơm nhẹ tỏa
Gà bình minh đánh thức giấc đồng quê
Xa xa lắm, Cha ơi mùa cơm mới!
Se sắt lòng, tiếng vọng giữa đời vui.