Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2012

ĐOAN NGỌ, DỊP TẾT MÙA CÂY TRÁI


                ĐOAN NGỌ, DỊP TẾT MÙA CÂY TRÁI
      
          Đất nước ta thời tiết thuận lợi cho sự phát triển động thực vật, phong phú về lễ hội, có nhiều ngày tết trong năm. Tết Đoan Ngọ vào mồng năm tháng năm âm lịch đã có từ rất lâu. Tết gắn liền với mùa trái cây, sản phẩm của nông nghiệp, cùng với tục góp lá làm thức uống theo kinh nghiệm dân gian là những đặc điểm của một loại tết cổ truyền Việt Nam.
         Lúc nầy vào giữa mùa hạ, nắng nhiều, theo nông lịch xưa là thời điểm cấy mạ vụ lúa tháng mười. Tết Đoan Ngọ không có qui mô lớn như tết Nguyên Đán, nhưng  vẫn được nhà nhà quan tâm chuẩn bị. Bởi ngày trước trái cây không có nhiều như bây giờ, mà chỉ các loại quen thuộc như chuối, mít, xoài, ổi, mận,…Riêng những vùng chuyên canh cây ăn quả như ở Nam bộ thì trái cây mới phong phú. Do vậy, để có trái chín ngày mồng năm nhiều khi phải giú. Dường như mít là là loại chủ lực, cho nên nếu chưa kịp chín người ta phải hái trái già, chặt phần quả phía cuốn, đóng nọc tre vào cùi. Nhà nào không trồng mít phải mua trái của nhà khác. Chuối trong vườn nhà hoặc mua cũng phải có để làm phẩm vật cúng. Mận, xoài, chôm chôm,..được xem như trái  cây qúi. Tết Đoan Ngo,ï việc đầu tiên của mỗi gia đình là cúng tổ tiên bằng hoa quả. Nhà nào có điều kiện thì thịt gà, vịt, có khi chung nhau mổ lợn, bò, làm thêm mâm cổ thịnh sọan trước cúng ông bà sau đó gia đình ăn uống. Theo tập tục của người kinh, khi hai gia đình đãõ hứa hôn, nhà trai phải đi thăm lễ tết dịp mồng năm tháng năm  nhà gái; con cháu phải về thăm ông bà, cha mẹ nếu không ở xa,...Một loại bánh khá đặc trưng trong dịp tết là bánh ú tro, những gia đình người Việt gốc Hoa hầu như đều có. Bánh ú tro hình thù như chiếc bánh ú thông thường nhưng nhỏ hơn, cách chế biến và hương vị cũng khác.
       Tết Đoan Ngọ, dân gian còn có chuyện đi tìm thằn lằn sống thả chạy qua thau nước sạch  rồi đem nước ấy rửa mặt để sáng mắt, hoặc người ta ít thấy rắn xuất hiện. (Chưa tìm được ý nghĩa hay cách lý giải thuyết phục về những chuyện nầy, chỉ ghi lại sự việc). Còn chuyện góp lá mồng năm thì rõ ràng, vừa đông vui, vừa ấn tượng và dễ thấy tác dụng lợi ích. Chừng nửa buổi sáng, khi cây lá đã ráo sương đêm, trong nhà việc chuẩn bị lễ vật cúng tổ tiên cũng xong, người ta rủ nhau đi góp lá mồng năm. Người có kinh nghiệm trong gia đình, thường là mẹ, chị gái lớn, có khi cha hay anh trai cầm liềm, dao đi chặt cây lá. Cây lá thu hái về như xấp xôi, lá vằng, lá sả, cam thảo đất, tía tô, hoắc hương, kim châu, chùm gửi cây dâu,…là những loại cây đã thông qua kinh nghiệm nhiều đời truyền dạy, làm thuốc, có ích cho cơ thể, không gây độc hại. Quan niệm dân gian còn cho rằng lá mồng năm phải được băm nhỏ, trộn đều ngay giữa giờ ngọ thì mới có tác dụng tốt. Khi đã phơi nhiều nắng, cây lá thật khô, tuỳ mỗi gia đình có thể cho vào bao hay vật đựng khác miễn không ẩm lại, vài tháng sau đem ra sử dụng. Lá mồng năm được dùng riêng hoặc pha với chè nấu làm thức uống. Người chưa quen sẽ thấy hương vị lạ, không giống kiểu chè hay trà nào trên thị trường. Con những ai dùng quen sẽ thích uống nóù, nhất là vào mùa đông giá lạnh. Nước lá mồng năm tạo điều kiện tiêu hoá tốt, giải cảm mạo phong hàn, đỡ nhứt mỏi gân cốt cho người lớn tuổi, an thần dễ ngủ,…
        Tết Đoan Ngọ thời xưa, nhà nào cũng cúng tổ tiên, trẻ con rất vui vì  được ăn cổ và trái cây thoả thích. Gia đình khá giả ăn uống sang hơn. Do vậy mà xóm làng, chợ búa nhộn nhịp hẳn lên. Thời gian tết tuy ngắn nhưng khá ấn tượng. Ngày nay xã hội phát triển, trên đất nước có nhiều vùng chuyên canh cây ăn trái, mô hình kinh tế vườn được nhân rộng với nhiều giống cho quả quanh năm. Tết mồng nămï người ta không còn chuẩn bị như trước. Rất ít người đi góp lá làm thức uống, chỉ còn ở các miền quê xa, hay những nơi giữ được tập tục cổ xưa. Lớp trẻ hầu như không biết nhiều về việc nầy. Nhưng ngẫm ra tết vào dịp giữa năm, trời nắng, những nơi có đủ nước tưới cây lá xanh tươi đúng độ, quả sai đầy cành, là tết mùa cây trái. Lá mồng năm làm thuốc Nam, dân dã mà hiệu nghiệm, nhiều loại trong số chúng nay được bào chế thành trà gói bao, dán nhãn như chè vằng, chè thanh nhiệt, chè nhân trần,… sử dụng tiện ích. Cho nên mỗi độ tháng năm về chắc không ít người còn nhớ tuổi thơ mình, chờ có dịp vui, ăn cổ, ăn trái cây và theo mẹ học góp lá, để rồi cái thức uống thơm thơm, lạ lạ đó lòng mãi mang theo. Tết Đoan Ngọ, mùa hoa trái, phản ảnh sự hoà quyện giữa thiên nhiên và cuộc sống, chứa đựng tình cảm, nỗi niềm trong mỗi con người, trong gia đình, làng xóm, là nét văn hoá truyền thống nên quan tâm gìn giữ!   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét