Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Thơ VU LAN NHỚ MẸ CHA


                           Bùi Văn Tạo

VU LAN NHỚ MẸ CHA
                                  
                                   Mùa thu tháng bảy Vu Lan
                                   Nhìn đường mây bạc bay ngang lưng trời
                                   Mẹ già giờ có thảnh thơi?
                                   Bên bờ cực lạc nghe lời nguyện con
                                   Những chiều nhìn phía sườn non
                                   Núi cao cách trở không còn gặp cha
                                   Bình minh hay phía chiều tà
                                   Con thành trụ cột cửa nhà hôm nay
                                   Dặm đời mưa dạt gió lay
                                   Nhớ cha nỗi  nhớ những ngày chắt chiu
                                   Lắng trong ký ức bao điều
                                   Bóng con thuyền mảnh dập dìu xa khơi
                                   Ngược xuôi trăm nẻo đường đời
                                   Tóc con điểm bạc vẫn lời mẹ ru
                                   Chiều thu nơi chốn ngàn thu
                                   Kính cha kính mẹ, mịt mù sương xa!

                                                                      Vu Lan / 2013
                                                                     

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Tiểu luận: HỒN QUÊ. TIẾNG VỌNG ĐỜI NGƯỜI TRONG THƠ BÙI VĂN TAO

HỒN QUÊ- TIẾNG VỌNG ĐỜI NGƯỜI TRONG THƠ BÙI VĂN TẠO Th.s Đoàn MinhTrà Thơ ca là sự ký thác nỗi niềm người sáng tác. Trong cái đích cuối cùng của sáng tạo, có lẽ không gì khác hơn là tìm kiếm sự tri âm. Và đến với thơ Bùi Văn Tạo, người ta dễ dàng tri nhận một điều: Thơ anh hướng về hồn quê, tình quê với một niềm thao thiết đến ám ảnh. Đi suốt tiến trình thơ Bùi Văn Tạo từ cái nhìn toàn cảnh người đọc mới có thể lẩy ra được những hàm ngôn ẩn sâu trong thơ ca anh. Có thể nói, hầu như mỗi thành tố từ ngữ nghĩa, hình ảnh, giọng điệu trong thơ đều xoay quanh cái lõi sống ấy. Thơ ca là tiếng hát của tâm hồn. Khúc hát ấy trong thơ Bùi Văn Tạo bắt đầu là khúc đồng dao thuở ấu thơ gắn với cánh chuồn chuồn mỏng, con đê và những kỉ niệm yêu thương êm đềm của tuổi nhỏ thấm đẫm hồn quê: Chuồn chuồn đôi cánh mỏng Bay trong lời đồng dao Em rập rình theo bắt Chuồn bay còn ngẩn ngơ ( Khúc đồng dao ngày ấy) Hồn quê đậm đà trong hình ảnh đầy chất quê như: hạt thóc. Hạt thóc giản dị thôi nhưng đủ để thổi vào hồn người bao cảm giác bình yên, no đủ. Bởi với con người Á Đông trong chúng ta, ai lớn lên mà không biết đến hạt thóc, hạt gạo. Hình ảnh bất khả biến trong tâm thức người Việt lại trở thành một ám ảnh trong anh. Anh suy nghiệm: Hạt thóc sinh ra từ cây lúa Ruộng đồng mấy vụ trải quanh năm Giữa cuộc sống bao nhiêu thay đổi Thóc nuôi người, thóc lại nảy mầm (Hạt thóc) Hồn quê là phạm trù khá trừu tượng, dường như chỉ có thể cảm nhận hoặc hình dung nhưng với Bùi Văn Tạo, anh có thể giúp người đọc định dạng nó qua hương thơm, màu sắc, qua sự rung cảm lắng sâu: Hương đồng thơm tóc bờ vai nhỏ Tha thiết tình quê đăm đắm chiều Mây bay thơ thẩn qua đồi núi Bên đường tím nở sắc hoa sim Như bao làng mạc xanh bình dị Mà nghe xao động khoảng trời mơ Buâng khuâng mỗi lúc về thôn nhỏ Sâu lắng tình em nỗi đợi chờ (Chiều quê) Bờ tre, câu hát ru, ngô lúa cũng là những thành tố làm nên chất quê, hồn quê trong thơ anh: Mây chiều tóc mẹ trời cao vợi Bờ tre nghiêng câu hát à ơi Mồ hôi thấm đất xanh ngô lúa Nâng bước em đi giữa dòng đời (Chiều quê) Với những gì rất dung dị, rất quê kiểng nhưng thật lạ là lại gắn bó thiết thân với Bùi Văn Tạo như một ân tình khó nguôi ngoai trong tâm khảm anh. Nó thăng hoa thành hồn, cốt; lặn sâu vào vô thức lẫn ý thức, trở thành một cõi đi về trong anh. Vì thế thơ anh cũng luôn gắn với hình ảnh “làng” như một tín hiệu của nguồn cội. Và anh như một lữ khách u hoài đi tìm hình bóng dấu yêu ấy trong kí ức xưa: Làng xưa còn có cây đa cũ Bóng trải xanh dài rộn tiếng chim Vây làng ấp ủ tre xanh mát Dậu vườn dâm bụt nở hoa xinh (Làng) Với thơ Bùi Văn Tạo, anh khiến ta hình dung quê, chất quê, hồn quê là cứu cánh của chính anh - dẫu Bùi Văn Tạo đang sống trong thời đại toàn cầu hóa, giữa một cuộc xâm thực mạnh mẽ của phố hội đối với làng quê. Chất quê, hồn quê trong thơ anh không thuần túy chỉ là thiên nhiên thôn dã, là một miền quê cụ thể với tiếng võng đưa, câu hò, lời ru hay hương đất, hương lúa, bờ đê, bến nước… mà sâu lắng hơn nó đã trở thành một nét văn hóa cội nguồn với tập tục cúng giỗ gia tiên ngày tết Đoan Ngọ: Tháng năm chợ búa, lo mâm cỗ Nét đẹp bao đời ơn tổ tiên (Tháng Năm) Quê hương mãi là nguồn cội nơi anh ra đi, cũng là nơi anh hò hẹn mãi cùng cuộc đời với niềm tin vào chân lý tính: nguồn cội là sự sống. Quê hương là cả hồn thơ Đưa con bước đến bến bờ tươi vui (Mùa thu cho con) Nhưng liệu anh có thể giải quyết mối mâu thuẫn giữa khát vọng và hiện thực, giữa sự diễn biến của đô thị hóa và sự bảo lưu nếp xưa? Dù qui luật của sự phủ định có tồn tại nghiệt ngã, dù thời gian có làm đổi thay tất cả thì với anh, hình bóng làng xưa với cây đa, bến nước, con đường quê… mãi là niềm hoài vọng trong tâm tưởng: Dẫu đi chân trời góc bể Nét làng vẫn mãi mang theo Quê hương giờ thay áo mới Tình em năm tháng nào vơi (Nét làng) Có thể nói, cảm thức làng quê đã bàng bạc trong hầu khắp sáng tác thơ Bùi Văn Tạo từ những sáng tác đầu tay với tập “Hương sắc thời gian”(2009) và được tiếp nối trong“ Miền nhớ”( 2013). Đúng như Tiến sĩ Mai Bá Ấn nhận định: “Với Bùi Văn Tạo, trăm miền nhớ chỉ một miền tâm tưởng”. Miền tâm tưởng đó luôn có tiếng vọng về nguồn cội, về nét nguyên- sơ - của -đời- sống. Ở đó, con người sống hài hòa cùng tạo vật, trân trọng và tôn vinh cái đẹp - cái đẹp của tình người, cái đẹp của thiên nhiên: Tháng giêng mùa hoa nở Tầng không chim én gọi đàn Cành hoa đong đưa theo gió Nồng nàn hương nhụy đầu xuân (Vẻ đẹp tháng giêng) Anh truyền niềm rung cảm về cái đẹp đến từ nét duyên của trời đất và tạo vật. Đó có thể là vẻ nguyên trinh của một sáng tháng giêng khi tiết trời vào xuân, hoa đong đưa “làm duyên” cùng gió, và cảm giác ấm áp của bầy én gọi bạn sum vầy; đó còn là nét tinh khôi từ vẻ đẹp của hạt thóc nảy mầm: Nhớ cánh đồng làng sau mùa gặt Hạt mầm chân rạ mọc tươi xanh Bãi bờ bạn với đàn cò trắng Đàn trâu mê cỏ gặm ngon lành (Sau mùa gặt) Nét đẹp người thôn nữ chốn quê cũng làm nên điệu trữ tình quê hương trong thơ Bùi Văn Tạo: Chè tàu lối ngõ đưa chân khách Em nghiêng vành nón thẹn môi cười ………………………………………… Nắng mưa xuôi ngược đường đôi ngả Dáng nón em nghiêng đọng mãi lòng (Về quê em) Làng quê với Bùi VănTạo đã trở thành một niềm mơ tưởng. Ắt hẳn tuổi thơ anh gắn bó với cuộc sống ruộng đồng, với cuộc mưu sinh cần lao của người lao động một nắng hai sương vô cùng thiết thân mới có thể khiến anh thiết tha với hồn quê đến thế. Anh đã nâng những chất liệu thường nhật của đời sống làng quê lên thành một đối tượng thẫm mĩ, để những chất liệu ấy hóa thành thơ. Nó trở thành “em”- đối tượng trữ tình để anh thiết tha mà hoài vọng. “Em” đã là một sự hóa thân của làng quê trong mắt nhìn say đắm của Bùi VănTạo: Ngẩn ngơ nào hay nắng tắt Chìm trong điệu lý quê hương Mai về sẽ dài nhung nhớ Phần đời nhuộm bóng chiều em (Chiều phố hội) Nó khiến anh mãi tìm kiếm: Thân quen một nét làng quê Để anh có lúc đi về gặp em … Nhà ai sợi khói vấn vương Làng quê nắng mới trên đường tìm em (Nét quê) Hồn quê len vào trong niềm mơ tưởng, nhung nhớ Bùi Văn Tạo một cách tự động như không thể lý giải: Một khoảng trời quê xa xanh nhớ À ơi câu hát giấc say nồng Chim gù vẳng tiếng gieo trong nắng Mùa vàng gió lộng tháng ba vui (Về quê em) Đó, khung trời xanh yên bình với cuộc sống nhịp nhàng, rộn ràng niềm vui được mùa cùng lời ca tiếng hát, là một bến bờ để tâm hồn anh neo đậu như một lời hẹn thề thủy chung: Mãi còn khắc khoải tình quê Lắng trong kí ức đường về thôn xưa Lao xao bóng ngả nắng trưa Bờ tre như võng đong đưa gọi hè (Nhớ tháng Ba) Bùi Văn Tạo yêu làng quê, đi tìm hồn của quê nhà hay chính là yêu và tìm những gì chân chất, bình dị của cuộc sống. Nó qui định cách ứng thế của anh đối với cuộc đời trong các giềng mối xã hội. Anh dễ xúc động trước những mảnh đời khốn khó và những thân phận cơ cực giữa cuộc đời: Tôi trở lại nơi từng ray rứt nhớ Tìm người già đã gặp năm xưa Cụ vắng bóng trên miền quê giàu vị mặn Xao xuyến lòng thôn xóm đổi thay (Qua Tân Diêm) Đó là cái chân chất của tình người nhà quê đối với “người nhà quê” như một chất muối làm đậm lòng người đọc. Nói hồn quê lặn sâu trong hồn thơ Bùi Văn Tạo không hoàn toàn là qua hình ảnh mà có thể cảm nhận được cảm giác nhẹ nhàng, chút bâng khuâng vốn dĩ gần gũi với cái thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu trong giọng thơ rất trữ tình và thanh thoát ở anh: Em mang tình yêu vừa chớm Anh làm ngày đợi tháng Giêng (Vẻ đẹp tháng Giêng) Thơ anh gieo vần tự nhiên, dễ đi vào lòng người, có khi không buồn gò ép câu chữ, anh cứ để cảm xúc tuôn chảy theo nguồn mạch của nó trước thực tại. Với chỉ 106 bài qua hai tập thơ đã xuất bản (*) nhưng đã có đến 108 lần anh cất tiếng gọi hồn quê. Nó man mác trong từng góc chữ, trong từng lời anh gieo trong thơ với sự quần tụ một trường từ vựng về làng quê như: giọng quê, người quê, nét duyên quê, quê nhà, bến sông quê, miền quê, quê hương, hồn quê, nét quê, nét làng, làng quê, bến quê, đường quê, quê nhà, sông quê, đồng quê, tình quê, trời quê, làng quê ruột…và những phiên bản khác như: làng xưa, hạt thóc, ruộng đồng, cánh đồng, mùa gặt,… Mỗi một bài thơ như một lời Bùi Văn Tạo tự tình với xứ sở. Những chuyến đi qua nhiều vùng quê trải từ cao nguyên xuống đồng bằng, từ trung du xuống miền duyên hải kéo từ Nam ra Bắc đã cho anh dịp để tìm hiểu vẻ đẹp của quê hương đất nước mình. Song trong vô vàn những nét đẹp, nét làng bao giờ cũng thu hút anh và dễ dàng hằn sâu trong niềm tâm tưởng. Những miền quê khác nhau hiện lên trong thơ anh dường như chỉ là những “biến thể” của “âm bản” làng quê mà Bùi văn Tạo mãi hoài vọng suốt một đời người: Bạt ngàn đồng đất An Giang Kênh xanh Vĩnh Tế trải ngàn gian lao Người xưa công sức khai đào Nên đồng lúa mượt, phương nào thuyền trôi … Bao năm trong tiếng vọng về Kênh dài nối những miền quê yên bình (Qua Kênh Vĩnh Tế) Miền quê An Giang hiện lên trong mắt Bùi Văn Tạo với đồng đất, kênh rạch, đồng lúa mượt …như một sự tiếp nối cảm thức về làng quê và làm liền mạch trong anh một chiều tâm tưởng. Làng quê không chỉ khiến anh khắc khoải qua không gian mà còn khiến anh bồi hồi theo năm tháng: Nhớ người thân thiết, làng quê ruột Những mùa đông lạnh gió heo may … Đi qua năm tháng nhiều thay đổi Bồi hồi làng cũ giữa chiều đông (Sau mùa gặt) Hồn quê, làng quê, tôi tin rằng - đó là một phần sự sống chảy trong huyết mạch con người Bùi Văn Tạo, là núm ruột níu giữ anh trước những đẩy đưa của cuộc đời trong biến thiên dâu bể. Nó chuyên chở nhân sinh quan, triết lý sống của riêng anh và nhắc nhở cùng người đọc cái thông điệp sống hài hòa với cuộc đời rộng lớn, muôn phương.

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Biên khảo: RUỘNG THIẾT ĐẠC

Bùi Văn Tạo RUỘNG THIẾT ĐẠC, MỘT NÉT VĂN HÓA NÔNG NGHIỆP LÀNG BA LA XƯA Tự bao đời vùng đất phía đông tỉnh thành Quảng Ngãi có câu ca dao "Ba La chạy thẳng Cù Mông/ Chạy quanh chạy quất cũng đồng Ba La". Cù Mông có thể là thành Cù Mông (Cẩm Thành), có thể là làng Chánh Mông (Chánh Lộ) lúc chưa phân chia thành nhiều phường như ngày nay. Điều nầy khẳng định khu vực phía đông và nam làng Ba La (xã Nghĩa Dõng) ruộng đất bạt ngàn. Lúc ấy dân cư của làng tập trung đông đúc ở phía bắc dọc sông Trà, còn phía nam người ở thưa thớt. Đời sống xưa dựa hẳn vào cây lúa, văn minh lúa nước của cư dân đồng bằng vùng Ba La rất phát triển. Ruộng giữ vai trò hàng đầu trong canh tác nông nghiệp, nhất là ruộng hai vụ. Nguồn thủy lợi khởi đầu từ sông Giăng (Nghĩa Hành) chảy qua Điền Trang, La châu (Nghĩa Trung, Tư Nghĩa) rồi mới đổ về tưới cho đồng ruộng Ba La. Khi thủy lợi đầu nguồn thừa thì cuối nguồn mới có nước sử dụng. Gặp năm hạn hán, việc canh tác lúa ở vùng phía cuối dòng thật căm go, nông dân phải đào ao, khơi giếng tìm nước tưới cho cây lúa. Vì thế mà ruộng hai vụ không nhiều như ngày nay. Còn ruộng một vụ chiếm cả một diện tích lớn, ăn nhờ nước trời hoặc bỏ hoang, cỏ dại tha hồ mọc. Đất thổ trồng khoai lang khi mùa mưa đến. Ngô chỉ canh tác được vào mùa nắng ở những nơi có thế nước. Cây mì chịu hạn còi cọc cả năm mới cho củ. Kể từ người làng Ba La hợp tác với dân Điện An (Nghĩa Thương, Tư Nghĩa) khai kênh dẫn nước từ Hòn Bà (Nghĩa Hành – Minh Long) về và đắp Đập Ba Điện giữ nước (bờ đập nước và dinh thờ tiền hiền nay vẫn còn) thì diện tích lúa nước tăng lên, đời sống có bước đổi thay đáng kể. Suốt quá trình khắc phục thiên nhiên của các thế hệ tổ tiên xưa cũng là giai đoạn tổ chức làng xã phát triển. Lúc dân cư thưa thớt, ngoài ruộng đất tư điền do dân khai khẩn rồi kê khai lập bộ là ruộng đất bỏ hoang được làng xã sung công gọi là công điền, chủ yếu là ruộng. Việc đo đạc ruộng, lập thửa, qui xứ đồng được hình thành từ đó. Thời ấy, ngoài đơn vị diện tích sào, mẫu còn có đơn vị đạc. Đạc, có sách gọi một đạc là một sào, có sách ghi là đơn vị đo chiều dài ước chừng 60 mét. Đối với làng Ba La một đạc ruộng khoảng 4 đến 6 sào trung bộ. Với cách xác định như trên, người ta chia đạc theo từng xứ đồng.Ví dụ: Ruộng đạc nhất của xứ đồng Khối Si,... Ba La có đến mấy chục xứ đồng, làm cơ sở để làng xã cứ ba năm một lần tổ chức cấp hay cho nông dân đấu giá thuê ruộng công điền. Nông dân thuê ruộng phải nộp thóc hoặc qui thành tiền cho ngân sách công. Người có khả năng vốn, sức lao động, sức kéo trâu bò thì đấu được nhiều ruộng, người nghèo thiếu tài chính, yếu lực thì chỉ đấu được một số ít, đời sống kham khổ. Trong việc đo đạc, qui định xứ đồng của làng Ba La người ta chọn vị trí đầu làng nơi có ruộng phì nhiêu liền dải, gần khu dân cư đó là Bàu Lác để lập thiết đạc tiếp theo là đạc nhất, nhì, ba…Cứ thế, người ta đo và xác định hết diện tích ruộng công của làng. Riêng xứ đồng Bàu Lác mới có thiết đạc, các xứ đồng khác bắt đầu từ đạc nhất. Trong thiết đạc người ta chọn một mảnh đất hình chữ nhật hơi vuông, diện tích hơn nửa sào, nằm sát đất thổ, nhưng thấp hơn mặt đất thổ và cao hơn mặt ruộng làm vị trí chính của thiết đạc (mốc khởi đầu đo đạc). Đó là nơi hàng năm vào dịp tháng tám làng long trọng tổ chức lễ cúng trời đất, thành hoàng làng, thần nông, tiền hiền, hậu hiền cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân cư no ấm. Cúng thiết đạc là cách tri ân nền văn minh lúa nước, sự khai mở ruộng đồng, gửi tâm linh vào thần đất, thần nước, mẹ lúa,...Ruộng sâu thì ngập úng khi thừa nước, còn thổ cao thì khô cháy khi nắng hạn. Mảnh đất hình chữ nhật ấy là mạch nối thổ cao với ruộng sâu, điểm giao hòa hai cực âm dương làm nên sinh khí ruộng đồng. Tuy là chỗ con người chọn, mang tính phong thủy, nhưng giá trị tinh thần của nó rất lớn. Dân làng tôn trọng và thiêng liêng hóa đến nỗi không dám thả trâu bò, phóng uế, cuốc phá mảnh đất nhỏ ấy. Quan niệm dân gian cho rằng ruộng thiết đạc linh, người vững tâm mới giám nhận canh tác và hàng năm riêng mình phải cúng lễ. Ngày nay khoa học phát triển, việc canh tác ruộng đồng được cơ giới hóa hầu hết, thủy nông thành mạng kênh mương tiện ích. Diện tích ruộng của làng Ba La không còn rộng như xưa nữa. Thiết đạc cũng mờ dần theo năm tháng, còn chăng trong trí nhớ người già và ký ức quê hương. Nhưng thiết đạc mãi là giá trị tinh thần, chứa đựng nỗi niềm cuộc sống, điều mà các thế hệ sau nên biết đến như hiểu về cội nguồn xưa.

Thơ: VỀ BẢN ĐÔN

Bùi Văn Tạo VỀ BẢN ĐÔN Bản Đôn, Một vết trầm cổ tích Mưa nắng Trường Sơn Có biết ? Tiếng tù và giục giã cánh thơ săn Chiếc xà reo(1), tay người thuần dưỡng Voi bạn đường khai mở hội mùa vui Bản Đôn, Dòng sông Sê - rê - pôk Mùa khô nước cạn, bóng chiều xanh Đôi bờ gọi tình em người sơn nữ Tháng mưa về ghềnh thác nặng phù sa Làng đảo nhỏ(2) tháng năm còn in dấu Đón bạn Lào trên đất Việt quê hương Cùng chung sức trong chiếc nôi dân tộc Chiêng gọi mùa, nương dốc cũng thành quen Bản Đôn, Những ngôi mộ dáng chiều trầm mặc Vết thời gian còn lại dấu rêu phong Sau bỏ mả(3) giữa hai đường chia biệt Phía buôn làng vang mãi tiếng chiêng khuya Bản Đôn, Phía tây đó rừng xanh lên tiếng hát Ánh sử thi huyền thoại tự bao đời Bên kia núi em gái Lào xinh đẹp Nhịp bước dồn theo điệu múa Chăm - pa Bản Đôn, Khách muôn phương, mùa lễ hội Thang nhà sàn chạm ngực(4) của mùa xuân Nghe rạo rực ngọn nguồn lên sức sống Rúc tù và cùng quản tượng cưỡi lưng voi Từ cây lá làm nên thang thuốc quí (5) Chuối ngọt ngào dấu tích bạn non cao Như sóng nước chiếc cầu treo đưa khách, Em bồi hồi hay tiếng của tình yêu ! Bản Đôn, Chiều mới đến mà như tôi từng đến Nghe thời gian lên tiếng núi non ngàn Lòng đọng mãi nụ cười người quản tượng Thương cụ già từng trải bạn đồi nương! Tháng 7/ 2013 1. Xà reo dụng cụ điều khiển voi 2. Nơi người Lào đến lập Bản Đôn 3. Lễ bỏ mả 4. Bậc thang trên cùng của "cầu thang cái" có chạm nổi hai bầu vú của người phụ nữ 5.Thang thuốc A-ma-kông

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

Thơ: VU LAN NHỚ MẸ CHA

Bùi Văn Tạo VU LAN NHỚ MẸ CHA Mùa thu tháng bảy Vu Lan Nhìn đường mây bạc bay ngang lưng trời Mẹ già giờ có thảnh thơi? Bên bờ cực lạc nghe lời nguyện con Những chiều nhìn phía sườn non Núi cao cách trở không còn gặp cha Bình minh hay phía chiều tà Con thành trụ cột cửa nhà hôm nay Dặm đời mưa dạt gió lay Nhớ cha nỗi nhớ những ngày chắt chiu Lắng trong ký ức bao điều Bóng con thuyền mảnh dập dìu xa khơi Ngược xuôi trăm nẻo đường đời Tóc con điểm bạc vẫn lời mẹ ru Chiều thu nơi chốn ngàn thu Kính cha kính mẹ, mịt mù sương xa! Vu Lan / 2013