MÙA RUỐC VỀ TRÊN QUÊ HƯƠNG LÀNG BIỂN
Mỗi năm khi mùa đông qua dần, để lại sau lưng những trận cuồng phong bão biển, những đợt sóng động dài ngày và mùa xuân từ từ bước đến thì các làng biển xôn xao vào mùa đánh bắt mới. Sản vật biển đông phong phú đa dạng nào cá, mực, tôm, cua… đủ cỡ, đủ loại. Tuỳ theo khả năng phương tiện, ngư dân có thể đánh bắt xa hoặc gần bờ. Trong nguồn hải sản ven bờ khi ruốc về thì làng biển tấp nập, đông vui.
Thường thì khoảng từ tháng mười một âm lịch, những lúc trời yên, biển lặng là ruốc bắt đầu về, nhiều nhất vào dịp tết cổ truyền và kết thúc vào đầu mùa hạ. Khi có ruốc, chúng di chuyển thành từng luồng dày đặc, cách bờ khoảng vài chục mét, nhiều lúc nhìn thấy mặt nước ửng đỏ. Lợi dụng tập tính di chuyển của ruốc, người ta dùng mành kéo ngược chiều để bắt. Mành là dụng cụ giống như chiếc túi lớn, miệng rộng độ hai chục mét, tách dài ra hai phía để gom ruốc. Mép dưới mành có gắn chì nặng kéo lưới sát đáy, thân như chiếc đụt dài chừng ba chục mét, đan bằng sợi cước sao cho ruốc không lọt qua được mà chui vào đáy túi. Ban ngày, khi bắt ruốc người ta dùng hai thuyền máy chạy chậm chậm hai bên để kéo miệng mành, ngược chiều với quầng ruốc di chuyển, có khi kéo bắng sức nhiều người. Khi ruốc vào đầy túi, người ta kéo mành lên bờ xúc ra rồi kéo tiếp. Ban đêm ngư dân một số nơi dùng đèn để nhử cho ruốc nổi và xúc lên thuyền. Do nguồn thuỷ sản nầy ở gần bờ, hầu như nhà nào cũng có thể đánh bắt được nên vào mùa ruốc làng biển vui cả ngày đêm, trên bãi không khi nào vắng người. Nhiều lúc ngư dân không lo ăn tết, mà dành thời gian thu hoạch ruốc, bởi sự ấm no của cuộc sống gắn liền với mùa vụ biển khơi mang về.
Ruốc là món ăn ngon được chế biến dưới nhiều dạng. Trước hết là ruốc tươi, khi vớt lên chúng còn búng nhảy, người ta rửa sạch hấp chín, trộn với dầu ăn khử hành thêm gia vị ớt, tỏi, tiêu,…làm món gỏi. Gỏi ruốc thơm ngọt, hương vị đặc biệt, thực khách tha hồ mà thưởng thức với bánh tráng nướng giòn. Tuy có vẻ dân dã, nhưng món ăn nầy không thua kém các món biển ngon nổi tiếng khác. Một lượng lớn ruốc tươi được chế biến thành mắm, bằng cách rửa sạch chúng, trộn với muối trắng rồi cho vào chum vại. Sau một thời gian khi ruốc chín, người ta vắt lấy nước cốt để riêng, xác ruốc được xay nhỏ (ngày trước thì giả bằng cối) rồi cho trở lại vào dụng cụ chứa và trộn đều với nước cốt, cứ thế đậy kỷ để thêm một thời gian nữa thực phẩm định hình là thành mắm. Nếu chế biến đúng cách, mắm ruốc có mùi thơm đặc biệt, màu mắm tím trắng, dạng nhão sệt làm thức chấm với rau, dưa, cà, thịt luộc, phết lên bánh tráng nướng giòn,…hay chỉ ăn với cơm đều rất ngon. Tuỳ theo kỹ thuật chế biến mà mỗi vùng miền mắm ruốc mang thương hiệu riêng. Lượng ruốc còn lại, người ta đem phơi làm ruốc khô, gặp khi nắng tốt ruốc khô có màu vàng rộm mượt mà, chỉ nhìn đã cảm thấy ngon. Ruốc khô dược dùng trong các món ăn như ruốc rang hay trộn với khế chua, xà lách, rau diếp,…
Chung lại ruốc có dọc bờ biển suốt từ nam chí bắc, tuy mùa vụ ít nhiều khác nhau và chất lượng cũng không hoàn toàn giống do ảnh hưởng nước biển từng vùng. Sản phẩm được chế biến từ ruốc là quí nhưng cần hợp vệ sinh, không bị pha lẫn đất cát, hạn chế ruồi nhặng đậu vào, chất lượng đảm bảo, thơm ngon. Làm ruốc khô cần đủ nắng, làm mắm thì không được pha trộn hoá chất độc hại, dụng cụ đựng phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Qua bao đời ruốc và các thành phẩm chế biến từ nó là nguồn kinh tế lớn của ngư dân vùng biển nói chung. Riêng trên quê hương Quảng Ngãi mỗi độ xuân về trời yên biển lặng, nước bể trong xanh, ruốc đi thành luồng sát bờ, là dịp ngư dân vào mùa thu hoạch mới, làng biển vui như mở hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét