Bùi Văn Tạo
MIẾU BẠCH HỔ
Bến Tam Thương bên bờ nam một dòng sông mang tính tượng trưng của quê hương, tuy giờ đây chỉ còn lại một ít dấu tích, nhưng ai biết được nơi ấy một thời tấp nập, nổi tiếng trong vùng. Có người cho rằng bởi nó là nút giao thương giữa miền núi, miền biển theo đường sông với đồng bằng khu vực trung tâm một tỉnh hay giao lưu với ngoài tỉnh bằng đường thuỷ. Người ta cũng truyền nhau về những câu chuyện đầy thương cảm đã xãy ra nơi bến sông, để nhiều đời sau nghe như một giai thoại. Mà chuyện dân gian là nguồn văn học quí giá, hầu như chuyện nào cũng giàu ý nghĩa, chứa đựng những nỗi niềm. Năm tháng đi qua, trải bao sự đổi thay in đậm hay phai mờ, giờ đây ngôi miếu cổ nằm cạnh bến Tam Thương không còn nữa, nhưng cái tên miếu Bạch Hổ vẫn còn trong chuyện người kể lại như ký ức một vùng quê
Lâu lắm, người già nhất cũng không sao nhớ nổi, các thế hệ bô lão khi rỗi việc thì kể chuyện cho con cháu nghe. Có đứa nghe xong cứ bám theo ông bà mà hỏi cho kỳ được ngọn nguồn. Mùa mưa năm ấy trời nổi trận phong ba, nước lũ từ thượng nguồn đổ về lênh láng, mấp mé triền sông rồi trèo tót lên bờ, tràn vào ruộng vườn. Vô số những bè củi, bè gỗ, rác rều, khi nổi, khi bấp bênh ngụp lặn, hối hả trôi về phía biển. Trên một bè củi mục trôi nhanh có ba mẹ con nhà hổ. Đến đoạn bến, dòng nước xoáy mạnh, bè củi mục ấy bị xé toạc làm đôi. Thế là ba mẹ con nhà hổ lâm vào cảnh bị chia lìa, nửa bè trôi dạt vào bờ mang theo một chú hổ con, nửa bè kia theo dòng nước cuồn cuộn chảy, trên đó có hổ mẹ và hổ em. Hổ mẹ quằn quại nhìn con âu lo tuyệt vọng. Chú hổ nhỏ may số được tấp vào bờ, bấu víu cành cây, mô đất trụ cho qua cơn hồng thuỷ rồi bắt đầu sống đời tự lập. Chắc nó cũng biết hổ mẹ và em không còn sống nữa.
Vùng bến sông thuở ấy còn khá hoang vắng, mỗi ngày giỏi lắm chỉ vài ba chuyến đò đưa khách qua lại, hoặc cập bến giao thương. Ban ngày hổ con ẩn nấp trong lau lách, bụi rậm, ban đêm tìm mồi để sống. Dần dần hổ lớn lên, thỉnh thoảng người ta cũng nhìn thấy dấu vết nó. Nhưng hổ không bao giờ làm hại người, thậm chí đến gia súc của cư dân trong vùng nuôi thả cũng không bị hổ săn bắt. Có lẽ mảnh đất nầy ngày xưa còn khá nhiều động vật hoang dã đủ để hổ con tự nuôi mình. Duy có một điều, mỗi năm cứ đến một đêm tháng chín âm lịch, người ta lại thấy trên bến sông có xác một con vật, khi thì con cáo, khi thì con mang,..Việc lặp lại như thế trở thành điều đáng chú ý. Bến sông đần dần đã có người ở, cư dân vùng lân cận cũng đông lên, người hiếu kỳ bắt đầu rình mò tìm hiểu chuyện lạ. Tình cờ vào một đêm tháng chín họ bắt gặp hổ tha mồi về đặt tại bến sông, rồi quỳ mọp như người, miệng rú khe khẽ nghe buồn thảm thiết. Từ đó người ta lật ngược thời gian và biết được nơi đây từng có sự chia ly của ba mẹ con nhà hổ.
Năm tháng cứ đi qua bến đò buồn vắng, hổ con giờ đã trưởng thành. Lãnh địa của loài chúa tể sơn lâm không phải ở bến nước nho nhỏ, hổ tìm đường về rừng như để tránh va chạm với người. Thế nhưng cứ mỗi năm, cũng vào cái đêm tháng chín, hổ lại mang xác một con vật từ rừng về bến sông tế mẹ và em. Người trong vùng biết được càng thương hổ, không bao giờ đánh phá nó. Hổ cũng không động đến một cành cây ngọn cỏ bến nước quê hương, chỉ tiếc rằng nó không thể tâm sự cùng người!
Bẳng đi một năm, rồi hai năm, mặc cho người chờ xem, đêm tháng chín vẫn không thấy hổ về. Ai ai cũng nghĩ với bản tính loài thú chắc hổ đã quên hoặc bị chết vì cạm bẩy đường rừng,…Chuyện ấy bàn tán rộ lên như con nước rồi cũng lắng xuống nhường chỗ cho việc làm ăn mối lái giao thương. Nhưng đến đêm tháng chín năm thứ ba, trời không mưa, trăng hạ tuần nghiêng nghiêng phía núi, dưới ánh sáng mờ mờ, hổ gìa chân đi khập khiễng nặng nhọc tha con mồi nhỏ đem đặt xuống bến sông như những năm trước. Lông hổ giờ đây như đã bạt màu, mớ tóc trên đầu nó rối rắm như nắm tơ, phơi lộ dưới ánh sáng màu vàng ệch của trăng đầu mùa đông xế bóng. Hổ già cúi đầu rên rỉ, ngồi mãi không đứng dậy. Người chứng kiến cảnh ấy càng thương hổ, họ cảm động đến mức không thể xem được mà im lặng về nhà, bến nước sương khuya vắng vẻ đến lạ kỳ.
Khi ánh nắng đầu ngày xuất hiện trên cành cây ngọn cỏ, người qua đò tri hô lên:
- Có một con hổ thật to chết ở bến sông.
Dân trong vùng ùa ra xem, nhiều người biết rõ câu chuyện ngậm ngùi rơi nước mắt. Họ chọn nơi cao ráo gần đó chôn cất hổ như chôn cất con người và lập một am nhỏ thờ có tạc hình hổ trắng. Không chỉ dân bản xứ mà bất kỳ ai khi qua đây đều bày tỏ nỗi niềm thương cảm, thắp hương đèn cho miếu Bạch Hổ. Bến nước sông quê từ đó tấp nập hẳn lên.