Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

CÒN CÓ MỘT LIÊN TRÌ DỤC NGUYỆT

CÒN CÓ MỘT “LIÊN TRÌ DỤC NGUYỆT”

           Theo tỉnh lộ 625 về phía tây, cách trung tâm tỉnh Quảng Ngãi hơn 10 cây số, thuộc huyện Tư Nghĩa có một hồ sen thiên nhiên. Nằm giữa xóm làng bóng cây râm mát, ruộng đồng tươi tốt, hồ tuy không rộng lắm nhưng tạo cho quê hương một phong cảnh đẹp, ấn tượng nhất là mùa sen nở.
           Nơi đây người địa phương thường gọi là bàu sen, rộng hơn 7 hec ta, diện tích qui hoạch khai thác có thể nhiều hơn, thuộc hai thôn An Cư và An Lạc, xã Nghĩa Thắng. Hố sen có từ lâu đời, tuy không ăn thông với kênh mương nào bên ngoài nhưng hiếm khi khô cạn nhờ nước mạch rỉ ra từ đất đồi gò xung quanh. Xa xa, nhìn hồ như hai dải lụa màu xanh lá cây mượt mà, một đầu nhỏ dần ăn sâu vào làng, đầu kia xếp chung làm thành thân chính của hồ. Giữa hai nhánh là cồn đất, trước kia cây thiên nhiên mọc rậm rạp, nay người dân trồng các loại cây gia dụng quen thuộc như bạch đàn, keo lá tràm…Bên bờ hồ phía bắc là ruộng lúa, đồng cây hoa màu và xóm ven sông Trà. Còn bờ nam là làng, bóng tre rũ xuống hồ như tóc thôn nữ soi gương. Thỉnh thoảng trong tầm nhìn, ta gặp mấy bóng dừa nghiêng nghiêng bên những nếp nhà quen thuộc của vùng quê xứ Quảng. Một vài quán ăn mọc lên ở phía đông thu hút khách gần xa trong những ngày nghỉ, ngày lễ. Quanh hồ, dải lục bình lúc nào cũng nở hoa tím, cùng với mấy cụm đá chồng chất tự nhiên như có sức tô thêm cho cảnh vật vẻ hoang sơ. Tuỳ mùa, các loài chim di trú sống nơi đầm nước như cò, vịt trời, gà lôi, cuốc,…thay nhau về làm chủ mặt hồ. Phong cảnh cũng thay đổi theo mùa, mùa sen nở, hồ sinh động hẳn lên. Buổi sáng mai, màu tím dịu dàng của loài hoa thanh cao nổi bật trên sắc xanh của lá và trong không gian yên ả, còn trên cây cối quanh hồ thì tiếng chim thi nhau ríu rít. Ngọn gió đồng đưa hương sen thơm ngát từ sáng sớm đến chiều tà. Dường như vào mùa hoa hạt, các giống chim cũng nhẹ nhàng khi bay lên hay đậu xuống hồ sen. Chiều về giữa lúc hoàng hôn nhuộm vàng làng mạc, văng vẳng đâu đó tiếng cuốc kêu gọi bạn. Rồi những đêm trăng tỏ, ánh sáng dát vàng phong cảnh, bóng trăng lung linh đáy nước toát lên vẻ đẹp yên bình. Thỉnh thoảng, đàn vạc lướt qua hồ in những dấu ấn chấp chới và cất tiếng kêu vang trong không gian đêm tĩnh lặng. Mùa sen tàn, lá già sẫm đỏ, mặt hồ như buồn đi bởi mưa gió đến, nhưng bù lại các loài chim trú đông kéo về nhiều hơn.  Cá cua, tôm tép đồng cũng có dịp sinh sôi nảy nở, còn sen thì nghỉ sức để năm sau tặng cho đời mùa hoa tím mới.
          Hồ sen là bạn đồng hành của người bản xứ, bởi  khi chưa có bao bì tiện dụng như ngày nay thì lá dùng để gói hàng ra chợ. Nõn sen, búp hoa phơi khô pha với chè làm thức uống. Ngó sen làm món khai vị hay gỏi trộn,…rất ngon. Hạt sen một loại dược liệu quí, là thực phẩm cao cấp. Bánh in bột hạt sen pha ý dĩ chữa trẻ con bị chứng suy dinh dưỡng, cam tích…Tim sen làm thuốc an thần chữa mất ngủ cho người trung niên hay khi tuổi già. Hồ sen cung cấp cho quanh vùng các loại cá đồng, tôm tép…Cá tôm thiên nhiên ở đây chất lượng thực phẩm cao, ngon và bổ dưỡng. Hương vị cá đồng nướng dầm mắm ớt tỏi hay kho với lá gừng tươi, tôm tép rang xào kiểu dân dã sẽ còn nhớ mãi đối với những ai từng thưởng thức nó. Các loài chim nước như vịt trời, gà lôi, cuốc,… thịt cũng rất thơm ngon, nhưng thỉnh thoảng người ta mới bắt được bởi họ không cố tình săn bắn chúng. Tuy hồ nằm lọt thỏm giữa làng, chỉ khi có mưa lũ lớn nước mới tràn ra ngoài, nhưng hồ vẫn sạch nhờ ý thức giữ gìn môi trường của người địa phương. Họ không vứt rác thải, xác súc vật chết xuống hồ và ngăn cản bất cứ ai có hành vi dùng súng đạn săn bắn chim hay rà điện bắt cá. Nhờ thế mà trải qua bao năm tháng tuy có ít nhiều mất mát, vắng bóng một số loài chim nhưng hồ sen vẫn còn giữ được vẻ đẹp.
          Hồ sen Nghĩa Thắng như nàng tiên xanh cùng bạn đồng hành lạc bước xuống trần gian. Phía đông bắc hồ chừng mấy trăm mét, một cồn đất nhỏ, cây mọc rậm rạp, nổi bật là cây gạo đến trăm năm tuổi, mùa hoa đỏ rực gợi nhớ câu ca dao: “Bao giờ cho đến tháng ba/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”. Và cách hồ không xa về phía đông chừng vài cây số đường chim bay là cụm hồ nước nóng trải dài trên đồng ruộng. Tự bao đời người địa phương sử dụng nguồn nước vào canh tác nông nghiệp và cuộc sống hàng ngày. Thế đó, cung đường du ngoạn về miền tây Tư Nghĩa còn có một “Liên Trì Dục Nguyệt” với quần thể thiên nhiên gần gũi nên thơ!






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét